Sunday, September 23, 2012

Chuyện Nhậu - Văn hóa nhậu - Đàn ông VN có phải lười ko???


Trả lời luôn câu hỏi ở tiêu đề: CÓ!
Mà thực ra câu trả lời đầy đủ là: CÓ! Đàn ông hay đàn bà, VN hay nước ngoài đứa nào cũng lười cả, chẳng qua là biết giới hạn cái độ lười của mình lại ở mức nào thôi.

Mời mọi người liếc qua link này: http://vnexpress.net/gl/doi-song/gia-dinh/2012/08/dan-ong-viet-luoi-ham-nhau-trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai/

Đấy đấy, bị Tây nó chửi đấy, nhục chưa?

"Tôi đến TP HCM bất kể giờ tan sở hay trước khi tan sở cũng thấy trong những quán cafe, quán nhậu, quán cóc, nhà hàng đều đầy ắp đàn ông ngồi túm 5 tụm 3 uống bia", Alex (người Australia) phản ánh và nhận xét "đàn ông Việt Nam lười quá".

Riêng vụ mấy ông VN hay nhậu thì miễn thanh minh thanh nga rồi, vì đơn giản đó là sự thật. Vấn đề ở đây là, NHIỀU hay ÍT là so với ai? So trên con số thống kê nào?

Xin trích 1 câu của bác Nguyễn Bá Thanh khi báo Thanh Niên có bài viết tuyên bố "Dân Đà Nẵng nhậu nhiều nhất nước", bác ấy nói thế này:" Răng mà biết nhất? Ai tổ chức thi cái ni mà biết nhất?". Hồi nớ mình ko hiểu nên thấy rất mắc cười, còn thấy ông í nói có phần lí sự cùn, nhưng giờ, sau khi đọc bài này thì thấy ổng Chuẩn Men rồi:))....

Mình sẽ cố phân tích từng thành phần trong phát ngôn của bác Alex kia để xem có thật dân VN mình nhậu nhiều ko nhé:D.....

  • "Nhìn thấy":
Ở Mỹ có 1 sự thật như thế này, bạn uống bao nhiêu cũng được, uống chết cũng được, nhưng đừng đem bia rượu ra đường vừa đi vừa uống. Bị chụp ngay! Nên ma men Tây bị bắt buộc dạt vào trong nhà, trong bar, trong sàn.... những nơi mà họ có thể uống và ko gặp vấn đề với cảnh sát. Mà đã vào trong đấy rồi, đóng cửa lại rồi, bên này người ta còn đi ô tô, phóng vèo vèo, thì có mà thấy dân nhậu bằng nhiềm tin nếu ko thực sự bước chân vô những chỗ đấy:))

Quay lại VN, nhậu ngoài đường thoải mái, đất chật người đông, ngột ngạt, chả dại gì chui vào trong mấy cái quán bé tí hin để uống cả, nóng nực bực bội. Dân mình lại đi xe máy nhiều, thế là ra đường tha hồ diện kiến biết bao nhiêu cơ man nào là quán nhậu, quán cóc, quán nước.... toàn người là người. Nhưng thế ko có nghĩa là dân nhậu của ta nhiều hơn tây được. 

Giữa ít mà lộ thiên và nhiều mà núp núp, người ta thường rất dễ hiểu lầm. Kiểu như chuyện về tảng băng trôi í, nhìn ở trên thì thấy nó to, thì biết nó to thế thôi, nhưng cái phần âm hiểm sâu xa núp lùm dưới nước kia mới thực sự là lớn:))....

  • "Uống nhiều"
Câu hỏi ở đây là....bao nhiêu là nhiều? 

Theo mình thấy, đô của dân mình yếu hơn dân tây rất nhiều, chả hiểu tại sao nhưng thực sự là vậy. Điều đó dẫn đến việc dân ta nhậu mau xỉn. Thế là bắt đầu nhè, quậy, nhìn vào dễ thấy òm:)).... Nhưng phàm là dân nhậu chắc chắn biết: "giữa say và uống nhiều hay ít thực sự nó chả liên quan gì nhau".

Ví dụ thế này: Mình có thằng bạn tên Việt, mình nó uống 12 chai chưa say, trong khi đó, bản thân mình, cao to lực lưỡng hơn nó chút, đẹp trai hơn nó chút, nhưng uống 1 chai là bắt đầu....cười một mình rồi :))....

Tương tự chuyện tây với ta. Trước đây mình có dịp tham dự 1 cái party mừng 21 tuổi (tuổi uống thức uống có cồn hợp pháp tại Mỹ) của một thằng bạn bản xứ, trong tiệc nhìn qua nhìn lại thì chỉ tầm 20 đứa, mà bia chúng nó mua tới 500 chai ==... Cơ mà quất hết đống đó chúng nó vẫn chỉ say tầm....70% thôi. 

Cho nên mình có thể nói điều này, dân nhậu VN mình la cà cả tuần, chưa chắc bằng chúng nó uống ráng một đêm, nên các trẻ trâu đừng có so sánh những thứ như...."lượng bia rượu tiêu thụ trong 1 năm" nhé. Nếu chịu khó Gu Gồ 1 tí, thì theo thống kê năm 2010, nước có lượng tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người cao nhất thế giới là....Nhật Bản, còn bình thường thì là Đức, Pháp, và Séc. Xin thông báo là VN còn chưa chen nổi vào top 10 đâu:))....

  • "Nhậu = Lười biếng"
Ở tây thì đúng vậy thật, nhưng đó là ở tây, đừng áp đặt thước đo văn hóa của mình lên một nền văn hóa khác. Không chỉ riêng VN, hầu hết các nước châu Á đều có chuyện tiếp đãi đối tác, và bàn chuyện làm ăn ngay trên bàn nhậu. Ế Ế đừng có chống chế. Ngay cả các cường quốc kinh tế, nổi tiếng siêng năng như Nhật, Hàn thì việc nhậu luôn có 1 vai trò rất lớn, và người thành công trong kinh doanh ko ít thì nhiều đều phải nhậu (thường là nhiều). Đó là điều mình đúc kết được sau hơn 15 năm nghiên cứu manga, và bắt đầu nghiên cứu 1 số thể loại phin Hàn Xẻn gần đây. Đã muốn làm ăn thì phải chén anh chén em, ko giao tửu thì miễn giao lưu nhé. Quan niệm rượu là dung môi hòa tan suy nghĩ của mọi người, mang mọi người đến gần nhau hơn, dễ bàn chuyện thân thiện hơn đã ăn rất sâu vào suy nghĩ của người Á Đông rồi, chả thể nào lay chuyển. Bản thân mình cũng thấy đó là 1 nét văn hóa khá hay và đáng được bảo tồn. Đây là chuyện nhậu của dân kinh doanh, dân con buôn.

Còn một thể loại nhậu điển hình nữa là chuyện nhậu của dân lao động. Nói thế này cho nó nhanh, dân lao động ở đây có nghĩa là những người tìm kiếm thu nhập bằng cơ bắp, bán mồ hôi để kiếm cơm. Đơn cử là thợ hồ nhé, người ta làm việc từ sáng tới nhá nhem tối, quần quật, cơ bắp căng cứng, chỉ đợi đến lúc về làm 1 vài ly tê tê, phê phê, để tối nằm ngủ cho thật sướng trước khi ngày mai tới. Chả hiểu sau mà rượu bia có tác dụng dãn gân cốt thần kỳ. Có tiền thì đi massage, ko tiền thì chung nhau mấy chục mua lít rượu gạo, 1-2 chai bia, tẩn vào 1 cái là người mềm nhũn ngay bao nhiêu mệt mỏi, nắng nôi cũng được tạm quên đi. 

Đấy, nhậu đâu có nghĩa là lười. Ở 2 trường hợp trên, nhậu có nghĩa là làm việc ngoài giờ, và có nghĩa là sự giải thoát trí não khỏi đời sống vật chất trong 1 vài khoảnh khắc nào đó. 

DĨ NHIÊN, mình cũng không thể ko nhắc tới thể loại ...BỢM. Thể loại này thì miễn bàn, ở VN có, đa số là đàn ông. Ở Tây càng có...cả đàn ông và đàn bà =)).... Loại này uống rượu thay nước, nói ra chỉ lãng phí rượu bia thôi nên quên đi là vừa;))....

  • "Nhậu là ko quan tâm tới gia đình"
Quay trở lại với 2 thể loại nhậu ở trên, chúng ta có thể thấy được lí do người ta nhậu là gì một cách rất dễ dàng. Chuyện nhậu, có thể coi là một hành động, có thể coi là 1 hệ quả, mà qua đó người ta có thể thấy được sự cống hiến cho gia đình. 

Dĩ nhiên có hệ nhậu để gặp bạn gặp bè nữa, quy vào hệ thư giãn luôn cho tiện:D.....

==================

Chắc hẳn đến đây mọi người cũng có cho mình những suy nghĩ riêng cho việc LƯỜI hay không của đàn ông Việt ta. Mình không khẳng định đàn ông Việt hoàn toàn không lười biếng. Chỉ dám khẳng định rằng nhận định của tác giả bài báo, cũng như những trích dẫn mang tính phiến diện của những người "bạn" của tác giả là vô căn cứ, thể hiện tư duy sính ngoại, ngu dốt và ấu trĩ. 

Nhân vật Alex kia (không biết là có thật hay không), là người chịu đi làm ở một quốc gia đang phát triển nào đó (VN), dĩ nhiên là 1 người hoàn toàn không lười. Cách nhận xét của ông ta dựa trên tiêu chí của bản thân chứ ko phải là tư duy của xã hội. Một người Úc mang chuông đi đánh xứ người, không có nghĩa là xứ người hoàn toàn không có chuông, hoặc không ai biết đánh chuông. Ông Alex hay anh chàng Henry đó có thể được coi là một nhân công của thời đại "thế giới phẳng", nhưng lại không được trang bị đầy đủ về sự tiếp nhận đa dạng văn hóa, cho nên đã mang tư tưởng bảo thủ của văn hóa bản thân họ làm thước đo và đánh giá cả một hệ tư tưởng và văn hóa hoàn toàn khác. 

Thầy dạy môn International Business của mình đã đi gần 20 nước trên thế giới, mỗi nước là một nền văn hóa khác nhau. Thầy nói, nếu đem văn hóa của mình để đi nhận xét một nền văn hóa khác là "đỉnh cao của sự ngu dốt" (trích nguyên văn luôn). Thầy là người Mỹ, đến VN được 8 năm... Và hiện tại bị nghiện cách NHẬU của dân VN mình. Thầy nói vậy mới là nhậu, nhậu như vậy mới có văn hóa, nhậu có khoa học. Thầy ghiền trứng vịt lộn, khoái rượu cần, rượu rắn. Thầy thích hét "Một Hai Ba ... DZÔ". Đấy, đấy mới chính là 1 con người sống trong thời đại thế giới phẳng thực chất trong mắt mình. 

Đừng đem sự ấu trĩ của mình nói ra để cho người ta biết, giống như câu chuyện của một anh chàng người Mỹ đi sang một nước ở châu Á du lịch. Anh ta khá tự hào vì mình là người Mỹ nên cái gì tới Mỹ là nhất, còn lại là rác tuốt. Ở 2-3 ngày, anh í bắt đầu thấy ngôn ngữ bản địa nghe chói tai và khiến anh ta đau đầu. Đến ngày thứ năm thì anh ta vô một cái chợ, sự huyên náo của cái chợ làm anh ta bức chốt, ôm đầu và hét to "Why dont you people speak American?". Một ông già Tây khác thấy vậy liền tiến tới, vỗ vai anh ta và nói "There is no such a language named American, Son! We American speak English. Why do you have to be here? Why dont you consider their language as a foreign song? Perhap you cannot take it, but somebody else does. Accept it, you and our American world is just a small tiny world in this universe."

Buồn một vì sự không tương đồng văn hóa dẫn tới nhận định sai lầm của nhiều người nước ngoài về VN, buồn mười vì sự tự ti dân tộc, sính ngoại của một bộ phận người Việt hiện nay

Xin trích một Comment của một độc giả đã hồi đáp bài báo kia thay cho lời kết:

"Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến cho rằng đàn ông Việt ham nhậu, nhưng nhận xét theo cái kiểu chỉ có đàn ông phương tây mới siêng năng hay mới biết quan tâm chăm sóc gia đình là hết sức ấu trĩ. Tôi từng ở Australia hơn 4 năm, đàn ông Australia còn làm biếng gấp mấy lần, ở nhà ăn tiền trợ cấp thất nghiệp đầy rẫy...Ở Pháp thì cũng chẳng khá hơn đâu, xã hội đầy những bất công, tiêu cực... Nhà báo muốn viết về hiện trạng xã hội thì nên đặt dưới góc nhìn xây dựng chứ đừng mang tính tư ti dân tộc và vọng ngoại như vậy. Xã hội nào, đất nước nào cũng có cái xấu, cái tốt như vậy..."